Table of contents
Quan điểm cá nhân, đứng dưới góc nhìn của một software engineer, một teamleader, một người đi phỏng vấn, một project manager
Mở đầu
Cũng khá lâu mới có dịp ngồi lại viết lách, chia sẻ chút nhận thức, quan điểm của cá nhân cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ (trâu, già trâu) làm trong ngành IT (ngành được gọi là vua mọi nghề này).
Chẳng là, cuối tuần trước mình có được buổi trò chuyện với một vài người anh (trước học cùng mình ở Bách Khoa HN - nhưng đều lạc lối vào con đường game thủ - con đường của phần lớn sinh viên bách khoa thời mình). Vì lẽ rằng, mấy anh em đều làm trong ngành (IT), nên mới đem vài câu chuyện trong ngành ra để bàn luận.
Anh G: "Hoàng giờ làm gì rồi em, lên chức gì rồi. Công việc có ổn không."
Mình: "E làm chân le ve support mọi người trong team, may được mọi người quý nên tặng cho vài cái label bên ngoài thôi anh. Anh thì sao, công việc ổn chứ. A có định hướng gì không?"
Anh G: "Anh mày thì không thích quản lý, thích code thôi. Mục tiêu của anh thì phấn đề lên senior."
Mình: "Thế anh có plan gì cho việc đó chưa, mà anh làm việc được mấy năm rồi nhỉ?"
Anh G: "Anh làm gần 5 năm rồi, plan thì anh cứ học với làm thôi."
Mình cũng đã có giai đoạn như anh G, chẳng biết mình cần phải làm gì cụ thể, chỉ biết đi làm, đọc blog, học hỏi dự án. Đến lúc nào nó lên rank, lên trình thì lên thôi..
Mình: "Anh có dự định học thêm chứng chỉ gì không anh?"
Anh G: "Anh thấy chứng chỉ không quan trọng, anh đi làm chẳng bao giờ dùng cả. Nên học thêm anh thấy cũng không cần thiết lắm."
Đúng thật là chứng chỉ đối với ngành IT thì gần như không quan trọng, trên thực tế phần lớn các bạn đi làm đều không có các chứng chỉ chuyên môn, thậm chí là bằng đại học, bằng cao đẳng. Nhưng công việc vẫn ổn, thu nhập vẫn tốt. Vậy thì câu hỏi đặt ra rằng, chứng chỉ (trong ngành IT) để làm gì? Và chúng ta cần lấy chứng chỉ hay không?
Giải quyết vấn đề
Trước khi đi sâu vào vấn đề chứng chỉ. Mình muốn chia sẻ với bạn thêm một chút về góc nhìn nhận của cá nhân về việc đi làm, kiếm tiền.
Về cơ bản, việc đi làm lấy lương, thực chất là việc bạn trao đổi giá trị của bạn, lấy các giá trị tương ứng.
Lấy ví dụ: Bạn lập trình ra một website, website đó giải quyết vấn đề kết nối, trò chuyện online (như fb chẳng hạn). Bùm, bạn giải quyết được nhu cầu, vấn đề của hàng tỉ người. Bạn nhận được khoản giá trị tương đương với nó.
Q: Vậy câu hỏi đặt ra rằng: Làm thế nào để chúng ta có thể tăng lương (câu hỏi mà phần lớn mọi người đều hỏi).
A: Rất đơn giản, từ hiểu biết bên trên. Để tăng được lương (trong một tổ chức nào đó) chúng ta cần tăng được lượng giá trị tạo ra trong tổ chức đó.
Q: Làm sao để tạo ra được nhiều giá trị hơn trong tổ chức đó?
A: Giải quyết các vấn đề tổ chức đó gặp phải. Ví dụ như bạn có thể support các dự án khác đang có vấn đề. Có thể đề xuất ra phương án cải tiến một vấn đề đang gặp trong tổ chức của bạn,...
Q: Còn cách nào khác không, chứ ví dụ như Dev mới vào như em thì đề xuất cải tiến, hay support dự án kiểu gì được
A: Có chứ, nâng cao giá trị, kiến thức của chính bản thân. Bằng cách học hỏi các kiến thức mới, tự nâng cao các kiến thức chuyên môn cần thiết, ...
Xuất thân là một lập trình viên, mình hiểu được rằng việc học hỏi kiến thức, nâng cao giá trị bản thân rất quan trọng. Nhưng làm thế nào để các cấp cao hơn biết rằng mình đang học, đang phát triển. Hay đơn giản hơn là làm thế nào để khi đi Phỏng Vấn, bạn có thể chứng mình mình có kiến thức đó chỉ trong thời gian ngắn.
Có cách dễ nhất mà mình nhận thấy phần lớn mọi người thường bỏ qua điều này. Đó chính là học và thi các chứng chỉ.
Chứng chỉ giúp được gì?
Nếu đứng dưới vị trí tuyển dụng, giữa một sinh viên bằng giỏi và một sinh viên bằng trung bình. Và nếu chỉ được tuyển 1 người, thì thường bạn sẽ tuyển người nào?
Hay một câu hỏi khác. Nếu bạn là trưởng phòng, giám đốc của một công ty. Đến kì tăng lương cho nhân viên. Giữa một nhân viên có thêm chứng chỉ (trong đợt vừa rồi), và một nhân viên không có thêm gì (nhưng vẫn nói là học hỏi thêm các kiến thức này kia). Thì bạn tăng lương cho ai nhiều hơn? (Đương nhiên, giả định các yếu tố công việc khác là tương đương)
Rất dễ để có câu trả lời rằng, bạn sẽ thường ưu tiên các bạn có chứng chỉ hơn..
Trên thực tế cũng vậy. Thường thì chứng chỉ sẽ giúp bạn
Chứng mình được khả năng học hỏi (đã học được vùng kiến thức này). Ở đây, mình chưa xét đến việc áp dụng kiến thức học vào thực tế công việc.
Có khả năng phát triển bản thân tốt hơn. Có ý thức cho việc phát triển bản thân hơn.
Là cơ sở để có thể có được một ấn tượng ban đầu tốt hơn.
Thực tế, một vài công ty, hay một vài vị trí cấp cao cần yêu cầu các chứng chỉ tương đương. (Tuỳ thuộc vào từng công ty cụ thể)
Nhưng đổi lại, chúng cũng sẽ lấy đi của bạn
Tiền: Đương nhiên, để thi một chứng chỉ, bạn cần mất lệ phí thi, thậm chí là phí để học chứng chỉ đó. Tài liệu cũng vậy, cũng chẳng mấy ai cho free, mà free thì cũng chẳng hiệu quả.
Thời gian: Để học một kiến thức, rất khác so với việc học để thi chứng chỉ. Bạn cần phải nắm chắc kiến thức đó (gọi là chuẩn theo sách giao khoa). Rồi ôn luyện đề thi các kiểu. Và nó lấy đi của bạn không ít thời gian và sự cố gắng.
Bên lề, đôi khi việc học, thi chứng chỉ cũng sẽ khiến bản nản lòng, chán nản, thất vọng về bản thân nếu không thi đỗ. Theo mình đó cũng là một phản ứng tiêu cực của nó.
Kết luận
Tóm lại thì, theo bản thân mình. Chứng chỉ đương nhiên là không bắt buộc cho một lập trình viên (hay các ngành nghề khác). Nhưng nếu bạn có các chứng chỉ (tương ứng với ngành nghề) thì bạn sẽ có được rất nhiều lợi ích.
Lời khuyên: Bản thân mình khuyên, các bạn nên có cho mình một vài chứng chỉ chuyên môn liên quan tới ngành nghề của mình. Không cần nhiều, nhưng cần đủ. Nhưng cũng đừng quá sa đà vào việc lấy chứng chỉ, mà quên mất kết quả sau cùng của chứng chỉ cũng chỉ là chúng ta có kiến thức để áp dụng vào công việc, giải quyết bài toán thực tế!